TỔNG HỢP NỘI DUNG NGHỊ ĐỊNH 119/2018/NĐ-CP VỀ HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ
1) Hiệu lực của Nghị Định 119/2018/NĐ-CP
– Nghị Định 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/11/2018, tuy nhiên các Nghị Định 51/2010/NĐ-CP và số 04/2014/NĐ-CP về hóa đơn giấy vẫn sẽ có hiệu lực đến 31/10/2020 (được hiểu là nếu doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đang còn hóa đơn giấy thì có thể sử dụng đến 31/10/2020) (Điều 35)
– Từ ngày 01/11/2018 nếu doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có đăng ký thông báo phát hành mới, thì bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử (Khoản 2 Điều 36).
– Các cơ sở kinh doanh mới thành lập từ ngày 01/11/2018 sẽ sử dụng Hóa đơn điện tử theo hướng dẫn của Cơ quan thuế, nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin thì tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy (Khoản 3 Điều 36).
2) Một số điểm mới của Nghị Định 119/2018/NĐ-CP
– Hóa đơn điện tử được chia làm 2 loại hóa đơn:
Một là: Hóa đơn không có mã của cơ quan thuế
Hai là: Hóa đơn có mã xác thực của cơ quan thuế (hóa đơn này người bán cần kết nối với cơ quan thuế để được cấp số hóa đơn và mã xác thực).
– Không bắt buộc người mua ký hóa đơn nếu người mua không có chữ ký số (Điều 6)
– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế chuyển sang sử dụng Hóa đơn điện tử không được dùng song song cả hai hình thức Hóa đơn điện tử và Hóa đơn giấy nữa (phải tiêu hủy hóa đơn giấy còn tồn) (Khoản 3 Điều 20).
– Đã sử dụng hình thức Hóa đơn điện tử (có mã hay không có mã của cơ quan thuế) thì đều phải xuất hóa đơn không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không được xuất gộp hóa đơn (Điều 4).
– Hóa đơn điện tử có mã của xác thực của cơ quan thuế thì không cần doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, phải có phần mềm kế toán (Điều 31 và Điều 32).
– Các thủ tục đăng ký cũng sẽ thay đổi theo mẫu mới, thay thế cho Quyết định áp dụng trước đây (Điều 20).
– Hóa đơn điện tử bị sai bất kể là sai tên, mã số thuế, tiền đơn giá số lượng…đều phải hủy theo Mẫu số 04 Phục lục ban hành kèm theo Nghị định này của cơ quan thuế (Điều 17 và Điều 24).
– Bỏ nội dung hóa đơn chuyển đổi một lần duy nhất – hóa đơn được chuyển đổi thành chứng từ giấy nhiều lần (Điều 10).
– Người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước khi muốn kiểm tra hàng hóa đang lưu thông trên thị trường phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của tổng cục thuế để tra cứu thông tin dữ liệu hóa đơn điện tử, trường hợp có sự cố ảnh hưởng đến đường truyền Internet thì người vận chuyển hàng hóa sử dụng chứng từ giấy được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử để chứng minh hàng hóa (Điều 29).
Lưu ý: Các nội dung này chưa được Tổng cục thuế áp dụng do chưa có thông tư hướng dẫn nên hiện tại các Doanh nghiệp vẫn thực hiện đúng theo các nội dung về hóa đơn điện tử theo Thông tư 32/2011/TT-BTC.